Nâng cao giá trị cây chè từ mô hình sản xuất an toàn
- Thứ sáu - 17/06/2022 09:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này

Nằm trên vùng chè Sông Cầu, hợp tác xã (HTX) chè Thịnh An được thành lập với nhiệm vụ liên kết sản xuất, dẫn dắt thành viên, liên kết hộ, phát triển mô hình trồng chè bảo đảm… Bà Vũ Thị Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Thịnh An cho biết: Ban đầu nhiều hộ còn băn khoăn do phải thay đổi phương thức canh tác và phải thực hiện nhiều công việc từ ghi chép sổ nhật ký đến chọn lọc thuốc bảo vệ thực vật... Thậm chí, nhiều người còn lo lắng rằng chè theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ bị đánh đồng với chè thông thường, giá bán không cao. Vì vậy, Ban Quản trị HTX đã đến từng hộ để tuyên truyền, vận động bà con áp dụng thử nghiệm quy trình trên một số diện tích để người dân thấy được hiệu quả. Sau 3 năm triển khai, đến nay 100% diện tích trồng chè của các hộ tham gia mô hình sản xuất chè an toàn đã được chăm sóc theo quy trình VietGAP.
Khi áp dụng mô hình sản xuất mới, HTX thường xuyên mời cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, huyện đến tập huấn cho bà con. Trong quá trình thực hiện, công tác giám sát, kiểm tra luôn đẩy mạnh và kịp thời. Tại đồi bãi, bà con được quán triệt dùng thuốc phun, phân bón theo đúng danh mục được Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Thái Nguyên) định hướng. Người dân sau khi phun thuốc cho cây phải thu gom, xử lý đúng nơi quy định, dùng máy cắt cỏ thay cho thuốc diệt cỏ, tránh thuốc ngấm xuống đất gây hại về lâu dài. Bên cạnh đó, HTX cũng quán triệt người dân phải tự ghi chép nhật ký chăm sóc cây chè của riêng gia đình mình. Đối với cơ sở cung cấp thuốc bảo vệ thực vật, phải ghi lại rõ thời gian bán hàng, người mua, cách tư vấn và cách hướng dẫn người dân phun. Đặc biệt, HTX còn thành lập Tổ bảo vệ thực vật để thường xuyên kiểm tra, đôn đốc người dân, hướng dẫn, cung cấp kiến thức phòng diệt sâu hại, bảo vệ những loài thiên địch…
Trước đây, vì người dân chưa biết cách ủ phân nên khi bón làm cây bị “xót” gốc, ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng. Từ khi người dân được trang bị kỹ năng chăm sóc cây chè đúng cách, năng suất cũng tăng lên đáng kể. Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên, năng suất chè bình quân đạt 11,2 tấn/ha, (tăng 2,6 tấn/ha), thu nhập đạt 249 triệu đồng/ha, cao gấp 2,3 lần so với trước khi thực hiện mô hình (106 triệu đồng/ha). Chè bán ra thị trường có giá từ 150 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/kg. Khác với vị đắng khi bón bằng phân hóa học, búp chè bây giờ khi được chăm sóc theo hướng an toàn đã trở nên đậm đà hơn, đọng lại vị ngọt, thơm ngon và chất lượng hơn.
Đặc biệt, HTX chè Thịnh An đã có 4 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Thái Nguyên năm 2019 và 2020. Qua đó, chất lượng và giá trị của chè Sông Cầu càng được khẳng định trên thị trường. Ngoài ra, vì thực hiện tốt việc ghi chép, lưu giữ hồ sơ, truy nguồn gốc nên đầu ra của sản phẩm rất tốt. Không những trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong nước, chè Thịnh An còn được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Malaysia, Nhật Bản… Hơn nữa, từ khi thực hiện mô hình sản xuất chè an toàn, bà con thị trấn Sông Cầu đã có sự thay đổi lớn về tư duy, cách làm, trách nhiệm với đất, sinh vật, sức khỏe người tiêu dùng và chính sản phẩm mình làm ra.